Top Ad unit 728 × 90

Giáo Xứ Cẩm Trường: Góc nhìn từ đời sống dân sinh


Nhiều người  cứ tưởng Cẩm Trường là dân buôn bán, vì ngay ở cái tên thôi người ta có thể hiểu đó là một 'dải gấm dài' và đương nhiên sẽ là một vùng đất trù phú, giàu có. Thế nhưng từ bao đời nay người dân giáo xứ luôn gắn bó với nghề nông nghiệp, chính những giọt mồ hôi lam lũ, những khó nhọc gầy dựng của cha ông đã tạo nên một xứ Mẹ hạt giống, những con người chất phát … Đó chính là gấm vóc của quê hương tôi.


Cẩm Trường là xứ Mẹ phát xuất ra các giáo xứ trong giáo hạt Thuận Nghĩa (xưa gọi là hạt Quỳnh Lưu). Bên cạnh nghề trồng lúa truyền thống từ thủa xưa, người dân giáo xứ ngày nay phần lớn đã tản đi tứ phương để làm ăn sau những vụ mùa chính. Phong trào chủ yếu bắt đầu tại miền nam với cái nghề quen gọi là 've chai' đã hình thành những nhóm lớn, cũng có rất nhiều người đi sang Liên Xô, Trung Quốc …vv để làm các nghề khác nhau, tất cả cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh, góp phần xây dựng sự thịnh vượng của quê hương.

Người Cẩm Trường gắn bó với nghề nông nghiệp.

Ngược về dòng thời gian của những năm đầu hình thành, vùng đất Hạ Lăng – Cẩm Trường lúc này dân cư đang ít, nhưng với sự cần mẫn chịu khó khai hoang, các bậc tiền nhân đã có những thửa ruộng rộng lớn, một vùng đất canh tác màu mỡ và có thể đứng vững hơn so với các vùng lân cận khi nạn đói thất thường của thời loạn lạc.

Theo lịch sử ghi lại thì trước đây có những năm liên tiếp được mùa, nhưng sau đó nạn châu chấu tràn về phá hoại mùa màng dai dẳng trong 3 năm, đẩy các bậc tiền nhân đến bước đường cùng, họ làm đủ mọi cách để chống chọi, không có gì ăn, nhiều người đã làm những chiếc vợt lớn để bắt châu chấu về để chế biến thành món ăn. Lúc đầu ăn cũng thấy ngon nhưng lâu dần thành chán, mùa màng thì bị những chiếc 'răng cưa' san phẳng, không có cách gì để diệt hết chúng, cứ gieo lúa tốt lên thì châu chấu lại tràn về cắn phá, nhiều người đã than vãn, ứ nước mắt mà kêu trời, có người còn nói: "biết thế thì đã luộc giống lên mà ăn may chăng cũng trụ được ít nhiều".

Trong giai đoạn thất bát này đã có nhiều dòng họ, nhiều gia đình đã rời bỏ quê hương mà di tản đi các vùng khác, tổng cộng có khoảng 1/3 dân số trong vùng đã bỏ đi, dạt tới những miền đất xa lạ vì họ nghĩ nếu ở lại thì trước sau cũng sẽ chết đói…

Những người bám trụ lại vẫn kiên trì trì gieo vãi những hạt giống cuối cùng, và sang năm sau một niềm vui tưởng chừng như đã tuyệt vọng, nụ cười nở tươi trên những thân thể gầy gò trong ngày mùa bội thu, không còn nạn châu chấu nữa mà ruộng đồng thêm màu mỡ vì những năm trước đó đã gieo mà không có gặt, nên những thân cây lúa bị cắn vùi xuống ruộng dần tạo thành chất mùn rất tốt cho đất.

Đời sống các bậc tiền nhân khá hơn thì lại nằm lọt trong sự lăm le cướp phá của các dân vùng lân cận, nhưng nhờ sự tin tưởng tuyệt đối vào bàn tay quan phòng của Chúa và Mẹ mà vùng Hạ Lăng – Cẩm Trường đã thoát được những tai họa và sự cướp bóc, tàn phá.

Lúc trước đây ruộng đồng rộng lớn, ở vùng Đồng Lăng đất canh tác của bà con kéo dài xuống tận xóm Trụ, xóm Chuối, vùng Đồi Lộ của Thượng Yên …, hoạt động sản xuất của các tiền nhân lúc này chủ yếu bằng sức người, sức trâu, chưa có giống lúa tốt nên năng suất thấp. Ngày đó một năm chỉ trồng được một vụ lúa, vì mất một tháng các tiền nhân mới có thể chuẩn bị đất và gieo xong lúa, và phải thêm một tháng nữa cho hoạt động thu hoạch vì phải đi bộ mà quảnh từng gánh lúa từ ruộng về. Lúa ngày đó từ lúc gieo phải qua từ 3 đến 6 tháng mới gặt được, ngày mùa là những thời gian vất vả nhất, lúc nào cũng quần quật, phải tranh thủ gánh lúa thâu đêm, thay nhau đập lúa và xay thóc trong những tối sáng trăng … tất cả cũng chỉ đủ ăn hơn nửa năm, phần lớn đều đói trong những ngày giáp hạt và phải kiếm những nạm rau má, củ chuối, củ khoai … để lót dạ qua ngày.

Đời sống đạo trong giáo xứ giai đoạn này rất sốt sắng, có bốn nhà thờ nằm cạnh nhau, tiếng chuông luôn ngân reo và các giờ kinh tối đều đặn, đặc biệt là việc học giáo lý của giới trẻ rất chuyên cần, đã đứng đầu nhiều nơi khi được mời đi dự thi…
Từ sau cải cách đến nay thì đất đai canh tác bị thu hẹp lại, dân số ngày càng tăng nhanh, phần lớn các gia đình đều đông con nhưng những đứa sinh sau lại không có ruộng, đành phải ăn bám cho đến độ tuổi biết lao động.

Ngày nay khi có những giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao, nếu được mùa thì 1 sào lúa sẽ cho thu hoạch 3 tạ lúa trở lên, đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khiến các hoạt động được nhanh chóng và dễ dàng hơn; tuy nhiên khi trừ các chi phí cho phân bón, công thuê máy móc …vv thì bà con lại than thở kêu lỗ vì giá lúa luôn rẻ và không tăng trong khi giá phân bón, giống, thuê máy … thì năm nào giá cũng tăng đều.
Biết là lỗ nhưng bà con trong giáo xứ đã không lỡ để ruộng bỏ hoang, vẫn hớn hở trong những ngày mùa, thường tất bật quên ăn để làm cho kịp vụ, vui mừng khi được mùa vì được ăn lúa rẻ, còn nếu mất mùa thì việc mình làm ra hạt gạo cũng giống như đi mua lúa đắt về ăn vậy.

Thường thì vụ lúa đông xuân là vụ chính vì cho năng suất cao hơn, còn vụ hè thu hay mất mùa, có nhiều nơi người ta bỏ hoang hoặc cho người khác làm vì mùa này thường có nhiều loại sâu bệnh hại lúa, thời tiết khắc nghiệt khiến cây lúa chậm phát triển và đến mùa trổ bông thì thường có những đợt gió mùa tràn về hay những cơn bão, những trận mưa lớn làm thiệt hại đến năng suất, có nhiều khi mất trắng. Kinh nghiệm của bà con trong mùa khi đến giờ thu hoạch là “xanh nhà hơn già đồng ”.

Ung dung trên lưng trâu. Ảnh minh họa, nguồn: Đỗ Vũ
Vụ đông xuân bà con thường hay trồng khoai lang hoặc ngô ở những vùng đồng cao hơn, còn những nơi đất trũng thì bỏ hoang hay sẽ cấy rau lấp, rau muống, cỏ cho gia súc, gia cầm ăn … Nhưng những năm gần đây ít thấy những ruộng khoai, ruộng ngô hơn vì bà con trồng ra thì lại trở thành nơi tập trung, tha hồ gặm nhấm và sinh đẻ tràn lan của loài chuột, khiến năng suất dường như chẳng còn gì.

Những sản phẩm nông nghiệp của bà con làm ra chủ yếu là đủ dùng, ít có bán mà nay cũng không còn đói ăn lúc giáp hạt nữa, đời sống đã khấm khá hơn, phần đông sau những ngày quy tụ lễ tết thì những người con trong giáo xứ lại ra đi đến những vùng miền xa để mưu sinh, nhờ có những công việc làm thuê mà cuộc sống của bà con đã không còn bị phụ thuộc vào mấy sào ruộng lam lũ nữa.
Cánh đồng lúa mênh mông đang mùa phơi màu của G.X Cẩm Trường. ảnh Bình Minh.
Phong trào nuôi hươu, nai.

Theo lời kể, những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, con hươu đắt một cách khủng khiếp nên chỉ có những gia đình giàu có, khá giả mới dám đầu tư vốn liếng để nuôi hươu. Giá một con hươu cái sinh sản lúc bấy giờ ít nhất 80 - 90 triệu đồng/con. Hươu đực trưởng thành từ 50 - 60 triệu đồng/con. Hươu con mới đẻ được 3 tháng được bán với giá tới trên dưới 36 triệu đồng/con cái; con đực cũng 25 đến 30 triệu đồng/con.

Con hươu vì vậy đã được bà con Cẩm Trường xem như một tài sản có giá nhất của họ, người ta chăm chút, lo cho nó kể cả trong giấc ngủ, chỉ cần hươu có triệu chứng bất thường là ai nấy đều lo tới xanh mặt. Nhà nào cũng mắc màn cho hươu ngủ, hàng ngày chăm bẵm nó như chăm sóc đứa trẻ sơ sinh. Nếu hươu có mệnh hệ gì mà lăn ra chết là coi như nhà đó sạt nghiệp. Bởi thế, để tránh rủi ro người nuôi hươu tại 2 huyện nói trên đã tự phát hình thành "Hội những người nuôi hươu" và đưa ra một giải pháp là nhiều gia đình cùng chung nhau mua một con hươu và góp công, góp của vào cùng nuôi theo phương thức lời cùng ăn, lỗ cùng chịu.

Cậu bé đang chơi đùa với con Hươu. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Theo đó, bà con nào nhiều vốn thì mỗi con họ cũng chỉ đầu tư nhiều nhất là một chân hươu (1/4 con), ai mà ít vốn thì chỉ dám đầu tư mua 1 móng hươu (1/8 con)
Ở đời chẳng mấy ai học được chữ ngờ. Đùng một cái quãng nửa sau của thập niên 90 đàn hươu ở Nghệ An, Hà Tĩnh bỗng dưng rớt giá một cách thảm hại. Giá hươu cứ tụt dốc nhanh như xe không phanh, lao xuống vực thẳm và dừng lại ở mức trên dưới 500.000 đồng/con (tương đương 1 chỉ vàng). Hươu đực bỗng đảo chiều bán đắt gấp đôi hươu cái vì nó còn cho người nuôi mỗi năm mấy lạng lộc nhung làm thuốc bổ. Những con hươu cái không đẻ được còn bị ép giá xuống mức 300.000 đồng/con. Hồi ấy, nhiều gia đình có tiệc hiếu hỷ gì người ta đã rủ nhau mua hươu về thịt làm đủ món xào lăn, tái chanh, xáo... mời bà con làng xóm đến uống rượu.

Khoảng thời gian này đã có số ít những gia đình bỗng trở nên khá giả, giàu có nhanh chóng, còn lại tất cả bà con có nuôi hươu đều trở nên khốn đốn, cái nghèo lại nghèo thêm, bao nhiêu hy vọng giờ chỉ còn là cái xác hươu… Có người đã không kiềm chế được, khi hươu bị bệnh chết, họ đã buộc dây treo lên vách nhà mà giảng tội, cứ đánh một roi vào con hươu chết đang bị treo thì lại: “Khốn khổ cũng vì mi, mất anh mất em, mất nhà mất cửa cũng vì mi…”

Tuy nhiên không vì thế mà việc nuôi hươu của bà con chấm dứt, vì vốn để đóng chuồng trại cũng rất nhiều, mà thời gian sau đó giá hươu có nhích lên một chút, không rẻ mà cũng không quá cao nên phong trào nuôi hươu của bà con trong Giáo xứ dần được phục hồi. Gần đây nhất là vào năm 2010, giá con nai đực cũng lên cao nhưng chỉ hơn một năm sau đó thì lại sập xuống rất thấp, lúc lên giá thì bà con cứ giữ để nuôi, nhưng đến khi giá sập xuống thì ồ ạt bán khiến những hộ chăn nuôi nai xem như mất trắng.

Hiện nay trong Giáo xứ hoạt động chăn nuôi hươu, nai ít đi, không còn những mô hình lớn như trước vì giá trị kinh tế mang lại cũng không cao, gia đình nào trồng được cỏ thì dễ dàng hơn, còn hằng ngày vẫn phải ra đồng cắt rau, cỏ hay bất cứ thứ gì có thể cho chúng ăn. Những con hươu, nai vẫn được xem như cái vốn, một tài sản quý của mỗi gia đình.

Đàn Hươu sao trong trong những mô hình chăn nuôi lớn. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
 Người Cẩm Trường ở Tân Vạn ( miền nam )

Khi được hỏi bố mẹ cháu đi làm ở chỗ nào trong miền nam thì tất cả câu trả lời hầu như là "Tân Vạn". Chắc hẳn là theo phong trào, vì đến nay tuy số lượng đã ít đi nhưng hiện có khoảng hơn 900 người thuộc Giáo xứ Cẩm Trường đang tạm trú và làm ăn tại miền nam.

Chiếc xe kéo chở hàng "Ve chai" của bà con Cẩm trường tại Tân Vạn, ảnh: Facebook G.X Cẩm Trường.
 Khi những gia đình đông con mà không có ruộng, thực tế nếu chỉ trông vào những sào ruộng thì sẽ chết đói, vì cái nghèo, vì con cái đang cần được đến trường... Tất cả cũng vì cuộc sống nên bà con đã lũ lượt rời quê hương, bỏ lại những đứa con thơ dại cho ông bà để vào miền nam làm ăn sau những ngày lễ tết. Số lượng lao động chủ yếu ở độ tuổi từ 16 – 50, thanh niên có, đàn ông đàn bà đều có...

"Tân Vạn, vì miếng cơm manh áo mà con ngựa sắt của em nó rụng hết dung nhan rồi'. Lời chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của Cha F.X Nguyễn Hồng Ân, ảnh: Facebook G.X Cẩm Trường.

Nghề chính của bà con vô đây ta thường gọi là ve chai, phần lớn là đi mua, có người đi lượm, người thì làm thuê việc bóc bao..., đã quy tụ tập trung lại một nhóm đông những người cùng quê và lấy ngày 1/5 là ngày lễ Kính Thánh Giuse thợ làm ngày lễ quan thầy, từ đó nơi đây được xem như một Cẩm Trường 2. Hằng năm cứ đến ngày 1/5 thì bà con lại tập trung lại bàn họp để tổ chức thánh lễ bổn mạng, để gặp mặt, sinh hoạt và trò chuyện với những người xa quê đang học tập và làm ăn tại miền nam; dù bận bất cứ công chuyện gì nhưng hằng năm cứ đến ngày thì Cha xứ vẫn có mặt để Chủ tế thánh lễ quan thầy, cũng là dịp để thăm hỏi và động viên những con chiên của Giáo xứ đang tha phương nơi đất khách.

Thánh Lễ quan thầy ngày 1/5/2015 của bà con Cẩm Trường tại Tân Vạn, có sự hiện diện của Cha Xứ, Cha quê hương và quý Cha ân nhân cùng với đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ. ảnh: Facebook G.X Cẩm Trường.
Cha Xứ P.X Phan Đình Giáo cũng đã đến thăm hỏi một số gia đình Cẩm Trường di cư sống tại miền nam. ảnh:Facebook G.X Cẩm Trường.
Nhờ có nghề ve chai ở miền nam mà đã giúp cuộc sống của đa số hộ gia đình trong Giáo xứ được khấm khá hơn, đi xa nhưng lòng luôn hướng về quê hương xứ sở, cố gắng lao động dành dụm và hễ khi quê hương có những sự kiện lớn gì thì đều sẵn sàng lên đường trở về.
Con cái Cẩm Trường tại Trung Quốc.

Phong trào sang Trung Quốc làm thuê mới xuất hiện ở những năm gần đây khi việc làm thuê trong nước cho thu nhâp rất thấp, hiện nay có khoảng hơn 500 lao động  là những người con của Giáo xứ đang làm tại đây và chủ yếu tập trung tại tỉnh Quảng Đông; nhưng trong tỉnh đó thì ở rải rác cách nhau rất xa, có những chỗ làm cách nhau hàng trăm có khi là hàng nghìn km. Hết thảy những người sang đây là đều đi chui vượt qua bằng đường biên giới, cứ những người đi trước đã biết chỗ thì dẫn những người đi sau, tất cả cũng chỉ muốn tìm được một việc làm thuê mà công sẽ được trả xứng đáng hơn.

Công việc chủ yếu của những người sang đây là làm gốm, có thể làm những công đoạn khác nhau như vắt đất, ra khuôn, chuyển vào lò nung, cảo men, bốc vác và vận chuyển gốm lên xe…, sản phẩm cuối cùng là những chẩu rửa mặt, bồn tắm hay toilet…

Cuộc sống bon chen nơi đất người khổ lắm ai ơi…” đó là câu than thở của một bạn trẻ trong Giáo xứ khi sang làm thuê tại Trung Quốc đã được 3 năm, phải nghiến răng chịu đựng  những vất vả, khó khăn, nhiều khi còn là những uất ức, đắng cay… Sự bất bất đồng về ngôn ngữ khiến cho việc giao tiếp với người bản địa dường như không có; những món ăn hằng ngày cứ tuần hoàn là cơm cứng rất khó nuốt, món canh chả khác gì nước sôi và vỏn vẹn là đĩa rau xào, nhiều lúc đói không muốn ăn nhưng cũng phải nuốt cho đầy bụng để lấy sức mà làm…

Bữa ăn chính hàng ngày của các lao động Cẩm Trường tại Trung Quốc. ảnh: Văn Trọng.
Công việc hằng ngày cứ lặp lại như một cỗ máy, vì đi chui nên không có giấy tờ tùy thân, luôn sống trong sợ lo âu, hầu hết là một năm mới được về quê một lần, mở mắt ra là chỉ biết làm việc, bất kể mùa đông hay mùa hè cứ 4 giờ sáng là phải tỉnh dậy đạp xe hàng chục km để đến lò gốm, tối về mệt nhoài ngã lưng là đi vào giấc ngủ; làm mà quên cả ngày tháng, không có ngày chủ nhật để nghỉ ngơi, nếu nhớ được thì buổi tối tập trung những anh em ở gần nhau và cùng đọc kinh chung chứ không có nhà thờ để đi lễ.

Sắp xếp những sản phẩm gốm. ảnh: Văn Trọng.
Mùa hè làm việc trong cái lò nóng dường như không lúc nào cần mặc áo, mồ hôi ướt đậm tấm lưng, mùa đông với cái rét xứ người tê buốt, bàn tay, bàn chân như cứ bị nứt ra từng thớ thịt mỗi khi bước vào lò làm việc…

Nhớ lại năm 2014, khi xảy ra biến cố tại biển Đông, không riêng gì những người dân Việt Nam mà cả những người con Cẩm Trường luôn phải sống trong sự thấp thỏm lo âu, ngày thì trốn lủi trong rừng sâu, đêm đến lo tìm đường trốn càng xa và khát vọng được trở về đất mẹ, những gói mì tôm dự trữ để qua ngày đoạn tháng, bất chấp thời gian lao động vất vả, bỏ lại đó những ngày công đã làm được để chạy nạn…, nghĩ thấy mà chua xót trong lòng. Nơi đất người mang theo những nỗi nhớ quê nhà, quặn lưng quần quật làm việc 12 tiếng mỗi ngày, mặt sém vì bụi gốm, bàn tay lấm đất, nụ cười khuất bóng đôi môi…

Bụi bám trắng trên khuôn mặt, quần áo, tay chân của một bạn trẻ Cẩm Trường tại lò làm việc. ảnh:  Văn Trọng.
Bao nhiêu khát vọng nhỏ nhoi, những mơ ước giản đơn để cuộc sống nơi quê nhà được khá hơn, thế nhưng mọi chuyện trên đời không dễ và được suôn sẻ, những tháng lương luôn bị chặn lại và cứ như thế mỗi công nhân như bị phụ thuộc, nhất là thời gian gần đây số lượng lao động ở Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc mỗi lúc càng đông vì thế giá lương hạ xuống rẻ mạt, cộng thêm sự biến động của đồng tiền Nhân Dân Tệ càng làm cho đời sống và công việc làm thuê của những người con Cẩm Trường nơi đây càng khó khăn hơn.

Người Cẩm Trường tại những nơi khác.

Ngoài những nơi trên, người Cẩm Trường có lúc còn có phong trào đi Nga vào những năm 2009, nhưng đến nay số lương lao động còn làm ở Nga không còn đông như trước nữa. Công việc chính khi sang đây là làm thợ may, làm thợ hồ, làm vườn nhưng tất cả không phải là công khai, luôn làm việc ẩn lấp làm việc trong dưới các hầm mỏ, sinh hoạt cũng ở dưới hầm, ít khi được ra với thế giới bên ngoài, mà có ra thì cũng để trốn chạy sự bắt bớ của cảnh sát vì lí do lao động nhập cư bất hợp pháp.

Tưởng chừng như là sẽ đổi đời, nhưng không ai biết trước là những đắng cay nơi xứ lạ, vay vốn để đi nhưng đến lúc may mắn về được thì số tiền mà trải qua một thời gian dài cực lực lao động cũng chỉ may ra hòa vốn, vì nhiều lần bị bắt và chờ đợi, bị chấn lột trong tù hay những khi bỏ chạy…

Xu hướng sang nước Lào làm ăn đối với những người con của Giáo xứ có giảm so với những năm trước, tuy nhiên công việc chính khi sang bên Lào là làm xây dựng có phần ổn định, nhiều gia đình đã bám trụ bên đó, hiện cuộc sống cũng đã khấm khá hơn.

Sau những vụ mùa vào khoảng tháng 9 – tháng 12 thì bà con trong Giáo xứ thường ngược vào vùng Tây nguyên để làm mướn thu hoạch cà phê, hồ tiêu cho các chủ nương rẫy. Công việc không kéo dài nhưng bà con đã tranh thủ thời gian rãnh rỗi đi làm thuê để có tiền lo trang trải những thiếu thốn trong gia đình, sự cần cù chịu khó của những người con Cẩm Trường đi đến đâu cũng được người ta mến chuộng, cuộc sống của bà con hiện nay cũng đã khấm khá hơn trước rất nhiều, đời sống đạo vẫn giữ được những truyền thống và các hội đoàn, các hoạt động ngày càng phát triển đi lên.

Còn rất nhiều những nghề nghiệp khác của bà con trong Giáo xứ, rải rác tại rất nhiều vùng miền và các nước trên thế giới nhưng không thể một lúc liệt kê hết được…

Xứ đạo nơi quê tôi đã ngày càng đổi mới, những nóc nhà mái ngói cao tầng lần lượt mọc lên, đường sá  ngày được mở rộng và sạch sẽ; bà con, giới trẻ trong Giáo xứ luôn gắn bó, đoàn kết với nhau. Những người con xa quê luôn hướng về nơi xứ Mẹ, hằng đêm thì thầm hát lên lời kinh nguyện cầu, mong ước cho quê hương ngày càng phồn thịnh, đổi mới; quê hương là người mẹ hiền che chở lúc tuổi thơ và luôn dang rộng cánh tay đón đợi đoàn con xa xứ trở về.
Toàn cảnh Giáo xứ Cẩm Trường. ảnh Ngô Tuyên.

                                                                                                        Thành Nhu



Giáo Xứ Cẩm Trường: Góc nhìn từ đời sống dân sinh Reviewed by Admin on 5/13/2016 02:29:00 SA Rating: 5

1 nhận xét:

All Rights Reserved by Trí Thức Cẩm Trường © 2017

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Đồng Lăng. Được tạo bởi Blogger.