TÌNH BẠN VÀ TÌNH YÊU
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết "ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau", hay cũng có ai đó đã nói rằng "thế giới này không ai là một hòn đảo". Có thế ta mới thấy rằng sống là tương quan, sống là sống với, sống cho và sống vì... Và trong các thứ tương quan chằng chịt phức tạp của cuộc sống, nổi bất lên hai thứ "Tình" - Tình Bạn và Tình Yêu" mà nhiều khi không có ranh giới phân biệt rõ ràng khiến rất nhiều người trong chúng ta dễ nhầm lẫn và ngộ nhận. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý vị, cách riêng là các bạn trẻ bài chia sẻ của tác giả Hoa Hạ,fsc về chủ đề này.
I. TÌNH BẠN
1/ Tình bạn là gì?
Bạn là người quen biết có quan hệ gần gũi, coi nhau ngang hàng, do hợp tính, hợp ý hoặc cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng, cùng hoạt động...
Có nhiều thứ bạn: bạn bè, bạn học, bạn đọc, bạn đường, bạn cọc chèo, bạn nối khố, bạn lòng (người yêu), bạn đời hay bạn trăm năm (vợ hay chồng), bạn vàng (bạn quý hay bạn thân), bạn chí cốt (bạn thân thiết vào sinh ra tử)...
Tình: sự yêu mến, quan hệ gắn bó giữa người với người
Tình bạn (philia) là một tình cảm, sự yêu mến giữa một người với một người quen biết, có quan hệ gần gũi. Tình bạn cho phép mình biết thật sự về một người nào.
2/ Bạn bè có cần không?
Con người là con vật có tính xã hội – nghĩa là con người luôn luôn có nhu cầu sống chung, sống cùng, sống với người khác. Đó là bản tính tự nhiên Thiên Chúa phú bẩm cho con người.
Tất cả mọi người đều cần có bạn, nhất là ở tuổi vị thành niên (16 – 17), vì tuổi này có xu hướng tâm lý kết bạn, kết nhóm.
Sách Huấn Ca mô tả sự cần thiết của người bạn: “Người bạn trung thành là nơi nương tựa vững chắc. Ai gặp được người bạn như thế là gặp được kho tàng, người bạn trung thành thì vô giá, và giá trị của người bạn đó thì không đo lường được.” (Hc 6:14-15)
3/ Làm sao để có bạn tốt?
Trước hết ta phải là một người bạn tốt. Vd: Đavid – Jonathan; Lưu Bình – Dương Lễ...
Một người bạn tốt là một người:
- Giản dị: Không quá cầu kỳ, đòi hỏi trong cách ăn mặc, trang điểm, không tỏ ra mình là “con nhà công” (nghĩa là tỏ ra mình con nhà khá giả, giàu có), biết nhã nhặn, khiêm tốn, không khoe khoang tiền bạc cũng đừng nhắc tới những đồ xa xỉ (cho ra vẻ ta đây sành điệu)
- Chính trực: Biết làm điều tốt, ngay thẳng, dám bênh vực bạn yếu và can đảm phê phán những hành vi xấu xa của bạn. “Kẻ luôn nói lời nịnh hót tâng bốc – đó là kẻ hại con. Nên tránh. Kẻm dám nói thẳng vào mặt con – đó là bạn. Hãy gần gũi và thân thiết.” (Ngạn ngữ). Không hùa theo với kẻ mạnh thế, với số đông để hiếp đáp những bạn yếu ớt, nhút nhát...
- Sẳn lòng giúp đỡ bạn bè khi họ cần đến mình một cách tế nhị. Ví dụ: Lưu Bình – Dương Lễ
- Không tỏ ra độc tài và tìm cách chế ngự bạn mình, nghĩa là không ỷ lại vào năng lực này, năng lực nọ mà Chúa ban cho mình để áp đảo người khác, hoặc chê bai và tìm cách chế ngự ban bè hay người khác.
- Khiêm tốn nhìn nhận những thiết sót, sai trái của mình và thành thật xin lỗi.
- Luôn thực thi công bằng trong đời sống đối với gia đình, với bạn bè, với người khác ngoài xã hội.
4/ Nên chọn bạn thế nào?
Trong nhóm, trong số người quen biết, số bạn học... nếu có một người hiểu ta hơn, dễ mến hơn, sẳn lòng giúp đỡ ta cũng như giúp đỡ người khác, hay một người mà ta tin cậy được để tỏ bày tâm sự.
Những người trong lớp học, khu phố... cí tấm lòng cởi mở, được nhiều người yêu thương mến mộ, đối với ai cũng vui vẻ và tận tâm tận tình. Nhưng nếu chưa có điều kiện thích nghi để tao thân thiết thì hãy đừng vội vàng kết thân, gắn bó. Cần dành thời gian tìm hiểu và chở đợi cơ hội để làm quen.
Họ là người cùng quan niêm, cùng chí hướng, cùng sở thích.
Nên tìm một người bạn đứng đắn, siêng năng, biết sắp xếp thời giờ làm việc, biết tổ chức công việc của mình.
Hãy tránh xa những người chỉ tổ pha trò, tán (tám) dóc, lêu lõng... kẻ mà cái gì cũng đem ra diễu cợt, đừa cười.
Không nên thấn thiết, đi lại với những người thích khoe khoang, không biết sử dụng của cải tiền bạc cách đúng mực.
Đừng để mình bị quyến rũ chạy theo những thỏa mãn các nhu cầu tự nhiên, nơi những người bạn thích ăn chơi, sống xa xỉ.
5/ Huyền nhiệm của tình bạn:
- “Ai cất tình bạn ra khỏi cuộc đời thì cũng như cất mặt trời ra khỏi vũ trụ.” (Cicéron)
- Trong mọi hoàn cảnh, tìm được một người bạn là tìm được sự nâng đỡ đích thực và tránh rơi vào suy thoái tinh thần.
- Không cần thiết người bạn lúc nào cũng ở gần mình, chỉ cần biết họ còn đó là ta có thể chịu đựng nỗi thất vọng, đau đớn, bệnh tật mà không rơi vào cảnh suy thoái tinh thần.
- “Chỉ trong nguy hiểm mới biết ai là bạn thật.” (Cicéron)
- Tình bằng hữu bắt buộc mình phải nâng đỡ bạn, phải ở gần họ lúc họ gặp khó khăn, chấp nhận con người thật của họ với những nghi ngờ, những khó khăn, những khiếm khuyết. Trong tình bạn mà “sốt ruột” muốn bạn mình phải “chỉnh đốn” ngay thì chưa hiểu gì về tình bạn.
- Thánh Âu tinh diễn tả tình bạn có ba yếu tố: người yêu, người được yêu và chính tình yêu. Trong tình bạn hai người bạn diễn tả một tình thương thần thánh, một tình thương làm nền tảng cho sức mạnh tình yêu. Tình bạn lúc này là “tình yêu được thông phần” rất gần với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha là người yêu – Con là người được yêu – Thánh Thần là tình yêu.
6/ Những trở ngại trong tình bạn
Theo Anseml Grun có bốn trở ngại trong tình bạn: sự nhàm chán, bận rộn với công việc, bất bình đẳng và làm việc tốt cho bạn quá nhiều.
- Khi bạn bè không còn chuyện gì để nói, khi mỗi người chỉ còn sống theo thói quen và khép kín lại với những gì xảy ra trong tương quan, làm như không còn gì xảy ra giữa họ với nhau. Tình bạn bị sa lầy và sự nhàm chán sẽ giết chết tình bạn. Lúc ấy chúng ta mất khả năng cống hiến cho nhau khả năng sống đẹp, mất cảm nhận về người bạn của mình và không còn chia sẻ với nhau nữa; chúng ta trở nên chai cứng và sự chai cứng này làm cho tình bạn chúng ta nên nhàm chán.
- Sự bận rộn, ai lúc nào cũng bận, lúc nào cũng vùi đầu vào công việc và không còn chút thời giờ dành cho nhau. Công việc dần dần làm cho chúng ta không còn mở lòng đối với nhau nữa, tình cảm bị vùi dập dưới công việc, và ta không có gì để chia sẻ gì với bạn bè. Tình bạn trở nên lạnh nhạt và chết.
- Sự bất bình đẳng trong tình bạn xảy ra khi một người bạn tự cho mình có trình độ, trong tương quan và giao tiếp họ luôn đặt mình ở tư thế cao hơn, họ muốn mọi người vây quanh họ, họ cho người này, người kia bài học này, bài học nọ...; việc lắng nghe và trao ban chỉ có ở một phía. Lúc ấy họ phá hủy tình bạn, vì trong mối tương quan này người bạn thấy mình bất bình đẳng.
- Khi làm việc tốt quá nhiều sẽ làm suy giảm tình bạn thay vì làm cho tình bạn vững bền. Những ai lúc nào cũng muốn cho bạn cái này, cái kia... và rồi sau đó muốn nắm giữ bạn về mình. Làm như thế họ như muốn “mua” tình bạn. Cảm nhận bị mua sẽ dần dần trở nên hung hăng, từ chối và rồi làm chai đá tình bạn.
II. TÌNH YÊU
1/ Hiểu thế nào về tình yêu?
Tình yêu không đơn giản là một dự thèm muốn, say mê, một cảm giác thèm muốn (chiếm hữu) về một người (cảm tính); mà đó là một sự ý thức quên mình và hoàn thiện bản thân một cách đồng thời (lý tính). Ví dụ: Chuyện Khổng Tử không chịu ăn cơm vì thấy học trò ăn trước.
Yêu thương là nhìn nhận mỗi người tốt đẹp hơn. Yêu thương là vui khi người khác hơn mình, làm được một điều tốt đẹp. Ví dụ: Chuyện ông Môsê vui khi có hai người không đến Lều Hội Ngộ mà vẫn được Thánh Thần cho nói tiếng lạ.
Có thể nói đến nhiều loại tình yêu: Tình yêu cha mẹ - con cái, tình yêu gia đình, tình yêu tổ quốc, tình yêu bạn bè, tình yêu huynh đệ, tình yêu Thiên Chúa và loài người... Trong sự đa dạng này của tình yêu, nổi bật lên tình yêu nam nữ và tình yêu vợ chồng.
Theo Kinh Thánh, từ “ahaba” dịch ra tiếng Hy Lạp là “agapé” diễn tả tình yêu, qua đó con người vượt thắng ích kỷ để vươn tới sự chăm sóc người khác. Tình yêu đích thật khiến con người không còn tìm cho chính bản thân mà hướng về người khác.
2/ Tại sao tình yêu quan trọng?
2.1/ Tình yêu là nhu cầu con người
- Con người sống không thể sống hạnh phúc nếu thiếu tình yêu. Kinh Thánh cho thấy, không có Eva, Adam chỉ là con người cô đơn, lẻ bóng.
- Không có tình yêu, mỗi người sẽ trở thành “ốc đảo”.
- Không có tình yêu, mỗi người sẽ trở nên tham lam ích kỷ, chiếm đoạt.
2.2/ Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa
- Thiên Chúa dựng nên con người trong tình yêu. “Chúng ta hãy làm nên con người theo giống hình ảnh chúng ta.” (St 1:27)
- Thiên Chúa ban cho con người có khả năng biết yêu thương: Yêu và Được Yêu. “Từ nay người đàn ông sẽ từ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ, và cả hai nên một thân thể.” (St 2:24) “Nàng là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi (St 2:23)
2.3/ Tình yêu là cơ sở cho niềm tin vào sự công bằng và thiện ý với tất cả mọi người. Thánh Augustin viết: “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.”
3/ Tình Ái và Tình Bác Ái (Eros và Agapé)
3.1/ Tình ái cao quý và đích thực:
- Tình ái là sự say đắm, lý trí bị một sự điên dại thần bí thống trị, đưa con người đến một cảm nghiệm diễm phúc cao độ nhất.
- Tình ái là tình yêu vị kỷ, nhưng là khởi đầu của tình yêu. Con người chỉ thực sự là người khi hồn xác hợp nhất. Trong tình ái không phải chỉ hồn yêu hay thân xác yêu mà là cả con người (hồn – xác) duy nhất yêu. Chỉ khi yêu cả hồn lẫn xác (lý trí – tâm hồn – cảm xúc), thì tình ái mới đạt tới sự cao cả đích thực của nó.
3.2/ Tình ái bị hạ giá thành tình dục:
- Khi trong tình ái chỉ để đi tìm khoái lạc, tìm thỏa mãn thân xác, tùng phục bản năng (thú tính), thì con người đã hạ giá tình ái (eros) xuống thành tình dục (sex). Khi ấy con người bị biến thành một thứ hàng hóa. Thân xác và giới tính chỉ là chất liêu nơi bản thân để khái thác tình dục.
- Khi hạ giá tình ái thành tình dục thì phẩm giá con người cũng bị hạ giá theo (mất nhân phẩm hay hạ giá nhân phẩm)
3.3/ Tình yêu bác ái (agapé) = tình yêu phải đi đến hành động
- Tình yêu bác ái là cảm nghiệm tình yêu, qua đó con người vượt thắng cái TÔI ích kỷ, để vươn tới sự chăm sóc người mình yêu và cho người mình yêu.
- Tình yêu bác ái không còn tìm cho chính bản thân mình nữa, nhưng chỉ muốn điều tốt cho người mình yêu.
- Tình yêu bác ái là tình ái (tình yêu vị kỷ) được thanh luyện, để tình yêu không chỉ đem lại cho con người chút khoái lạc chóng qua, nhưng là “sự nếm trước” (đưa con người đến) hạnh phúc là đỉnh cao của cuộc sống.
- Tình yêu chân thực giữa hai người (hay với nhiều người) đòi phải có sự thanh luyện và trưởng thành kinh qua sự chọn lựa, từ bỏ, tự chủ
4. Tình yêu đòi hỏi tự do và tự chủ
- Tình yêu có thể tóm hai trong hai chiều kích với hai tên gọi là Tình ái (Eros) và Tình bác ái (Agapé): Tình ái là tình yêu vị kỷ, đi lên và ham muốn – Tình yêu bác ái là tình yêu cho đi, đi xuống và dâng hiến.
- Trong tình yêu, tình ái và bác ái là hai chiều kích khác nhau nhưng lại luôn bổ túc cho nhau để hướng về sự thống nhất tình yêu. Nơi nào, người nào hai chiều kích ấy bị tách biệt sẽ xuất hiện một tình yêu què quặt, lệch lạc, tạo ra một bức biếm họa về tình yêu, về con người và về cuộc sống.
- Mỗi quan hệ tình yêu đều có liều lượng tự do thích ứng. Biết tự chủ trong tình yêu sẽ biết để dành cho bạn mình một khoảng không gian tự do, khoảng không gian mà người bạn ấy cần để sống là chính mình. Chỉ trong khoảng không gian tự do được nhìn nhận bởi lòng tin tưởng mà người yêu / người bạn cảm thấy bình an để có thể nói cho ta biết những gì người ấy nghĩ trong lòng.
KẾT
- Tình bạn là một hình thức của tình yêu. Một tình bạn cao quý cũng thể hiện đầy đủ sự thống nhất của tình yêu.
- Tình bạn và tình ái cùng nuôi dưỡng nhau, nhưng tình bạn không phải là tình ái, cả hai bắt nguồn từ lòng trìu mến (cảm giác). Tình ái làm cho con người say đắm và muốn chiếm hữu. Tình bạn được thiết lập trên nền tảng thiêng liêng, yêu thương mà vẫn giữ được một khoảng cách và hiểu được bạn mình trong sự thật của bạn.
- Tình bạn cần tình ái và tình ái cần tình bạn. “Ai không thể xem tình bạn như một loại tình yêu cá biệt mà xem tình bạn như một loại biến dạng của tình ái thì người đó chứng tỏ họ chưa bao giờ có bạn.” (C.S. Lewis)
- Tình yêu theo tinh thần Kitô giáo, không đi ngược với tình yêu tự nhiên con người, không ở bên lề của thế giới hiện đại, nhưng đón nhận con người, can thiệp vào sự tìm kiếm tình yêu của con người để thanh luyện, để khai mở cho con người đạt tới sự thống nhất của tình yêu, để con người sống tình yêu một cách chân chính. “Khi yêu người ta muốn trao tặng và khi trao tặng tình yêu, thì chính học lãnh nhận được tình yêu.”
- Dưới cái nhìn đức tin và sống đức tin Kitô giáo, tình ái được nâng cao tột đỉnh đặt tới sự cao cả. Tình ái cũng được thanh luyện để tan biến và tình yêu bác ái. Khi ấy cả hai thống nhất nội tại trong một tình yêu, họa lại tình yêu của Thiên Chúa.
Tài liệu tham khảo
- ĐGH Bênêđictô XVI, Thông điệp Tình Yêu Trong Sự Thật (Caritas in Varitate) của, ngày 29/06/2009.
- Anseml Grun, Một Chút Suy Gẫm Về Huyền Nhiệm Tình Bạn, Antôn & Đuốc Sáng, 2008.
- Vài tài liệu khác.
Hoa Hạ FSC
Nguồn tin: Tỉnh Dòng La San Việt Nam
TÌNH BẠN VÀ TÌNH YÊU
Reviewed by Admin
on
9/08/2019 09:23:00 CH
Rating:
Không có nhận xét nào: