Top Ad unit 728 × 90

Không tham lam chính là báu vật của đời người

'Báu vật ở đời': Không tham lam
Người ta đối với tiền bạc, hư danh là có truy cầu, lòng tham không đáy. Do đó người xưa cho rằng: Không tham mới là bảo vật. Ai mà khắc chế được tâm tham thì chính như trong tay có bảo vật vậy.
Trong “Tả truyện” có ghi chép một chuyện cổ: Có một người nước Tống nhặt được một viên đá quý, thế là đưa lại cho Tử Hãn nhưng lại bị cự tuyệt.
Người đó nói rằng: “Ngọc này đã được chuyên gia thẩm định, và là viên ngọc quý phi thường, vậy tôi mới dám dâng cho đại nhân!”.
Tử Hãn đáp: “Ông cho rằng đá quý là bảo vật, mà tôi cho rằng không tham mới là bảo vật. Ông tặng tôi ngọc quý đó. Nếu tôi thu lại, thì cả tôi và ông đều mất đi bảo vật, chi bằng chúng ta đều giữ bảo vật cho riêng mình!” (Tử Hãn có không tham là bảo vật, người tặng ngọc có ngọc là bảo vật).
Cuối cùng, Tử Hãn không lấy viên ngọc đó.
Người tặng ngọc thấy Tử Hãn không nhận, đành phải trung thực nói: “Giá trị của viên ngọc này thật xa xỉ, nếu tôi mang nó đến quốc gia khác, e rằng sẽ không được bình an, vậy nên đem ngọc quý dâng lên Ngài để miễn chết”.
Tử Hãn sau khi nghe xong, bèn ra lệnh cho người dụng công mài viên đá quý đó thành châu báu. Sau khi bán thì lấy tiền đưa lại người đó, không lấy dù chỉ một đồng.
***
Trong xã hội hiện nay, người tranh kẻ đoạt chẳng từ thủ đoạn, lòng tham của con người càng ngày càng lớn. Bài viết này sẽ không nói về những việc tiêu cực, mà chỉ đưa ra những câu chuyện ý nghĩa về việc không tham của cải, qua đó truyền đi cảm hứng và thông điệp tốt đẹp, hướng con người đến sự chất phác, thiện lương, như Khổng Tử xưa từng nói: “Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy”.
Từ những gian hàng “không người bán” của đất nước mặt trời mọc
Những quầy hàng kỳ lạ này trong tiếng Nhật được gọi là ‘無人販賣 (Vô nhân phiến mại) – Mujin Hanbai’, nghĩa là quầy hàng không cần người bán. Đây là những quầy hàng đặc trưng ở vùng nông thôn của Nhật, nơi mà những người lao động thường đi làm cả ngày và đến tối họ sẽ mang những nông sản “không ai lấy” và tiền trong hộp để mang về. Tiền trong hộp không thiếu một xu, mọi khoản tiền đều khớp với số hàng được bày bán.
Người Nhật nghĩ rằng, họ tin tưởng nhau nên không cần phải đề phòng nhau, đồng thời họ được dư một công lao động. Ngoài ra, nếu ai quá túng thiếu, quá nghèo khổ không có tiền để mua thì đây cũng là cơ hội để cho người lấy không phải xấu hổ vì ăn cắp.
Từ những gian hàng “không người bán” của đất nước mặt trời mọc
Gian hàng không người bán tại Nhật. (Ảnh: vyctravel.com)
Đến “quầy rau tử tế” ở Đà Lạt [1]
Quầy rau sạch được trồng tự nhiên này được đặt tại “Quán của thời thanh xuân” (số 9, Triệu Việt Vương, Đà Lạt) – một dự án doanh nghiệp xã hội nhằm giúp những người trẻ không nghe được và nói được có những trải nghiệm về nghề nghiệp, tích lũy vốn để có thể sống tự lập về sau.
Quầy rau xanh được bày cùng những tấm bảng ghi lời nhắn nhủ đến người mua: “Rau tự nhiên, bạn tự chọn rau và để tiền vào thùng gỗ nhé! Chúng mình cùng ăn rau sạch nhé!” hay “Bán rau tử tế, tự lấy rau và tự bỏ tiền vào thùng nhé!”.
Người đưa ra ý tưởng bán rau do tự tay mình trồng là bạn Nguyễn Thị Lý (sinh năm 1989), từng học ngành Tổ chức Du lịch, Hướng dẫn viên du lịch và cung cấp nông sản sạch an toàn. Lý hiện sống ở Đà Lạt.
Giải thích về lý do đưa ra ý tưởng này, Lý nói: “Trồng rau sạch thực sự mất rất nhiều tâm sức, nhưng tôi chọn nhận tiền theo cách ai muốn để bao nhiêu thì để lại.
Vì “Quán của thời thanh xuân” là một nơi cho các bạn câm điếc sinh sống và làm việc, phần lớn những người đến đây đều là những người có sự thấu cảm nhất định, nên tôi tin họ sẽ để lại những gì tốt đẹp và xứng đáng nhất dành cho công sức trồng rau của chúng tôi”.
Không chỉ thế, Lý cũng mong muốn ai cũng được ăn những loại rau củ quả sạch không có thuốc kích thích, thuốc sâu, chất bảo quản tạo mùi tạo vị.
Anh Võ Thanh Luân – chủ Quán của thời thanh xuân cũng chia sẻ: “Rau tử tế ra đời, chỉ đơn giản là sự tử tế dựa trên niềm tin. Chúng tôi bán rau thậm chí không có lãi và cứ đầu tuần lại lấy rau ế về ăn. Nhưng chúng tôi nghĩ đơn giản rằng, miễn là mọi người được ăn rau sạch hơn, sống khoẻ mạnh hơn là chúng tôi vui…”
Đến “quầy rau tử tế” ở Đà Lạt
Quầy rau tử tế ở Đà Lạt (Ảnh: hoahoctro.vn)
Chúng ta đều thực sự mong muốn sự tử tế được lan rộng, nhưng mọi thứ đều phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ những con người tiên phong làm người tử tế. “Bước đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước chân đầu tiên” (Lão Tử), hy vọng rằng những điều tốt đẹp này sẽ lan tỏa hơn nữa. Nếu ai ai cũng không tham, không giành thì xã hội sẽ yên định, có khi khi ngủ cũng không cần cài then, quốc thái dân an. Điều đó chẳng phải là “điều quý giá” cho dân tộc và chính quốc gia đó?
Trong văn tự truyền thống, chữ ‘tham’ gồm: Bộ ‘Bối’ (貝) và chữ ‘kim’ (今). ‘Bối’ (貝) có nghĩa là tiền, báu vật; còn ‘kim’ (今) có nghĩa trước mắt, hiện tại, hôm nay. Kim kết hợp với bối, nghĩa là chỉ thấy cái lợi trước mắt thì chính là ‘tham’ (貪).
Người xưa có dạy rằng: “Tiền là vật ngoại thân” nhưng mấy ai thấu hiểu được nỗi lòng của cổ nhân. Bởi lẽ, chúng ta đến đây với hai bàn tay trắng rồi cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Đến khi trăm tuổi lâm chung thì những của cải kia có còn quan trọng với chúng ta nữa đâu!
Khi chúng ta nỗ lực để tranh giành những thứ vốn không thuộc về mình mà thuộc về người khác thì chẳng phải chúng ta đã thiếu nợ họ là gì? Nợ ấy thì khi nào mới hoàn trả đây?
Không tham cũng là biểu hiện của tấm lòng thiện lương. Lão Tử từng nói: “Đạo Trời không thiên vị, thường giúp người thiện lương”. Những gì của mình thì sẽ là của mình, hà tất phải tranh giành cho mệt thân tốn sức. Sống thiện lương thì Trời cao luôn cho ta những an bài tốt nhất. Thông qua bài viết, có lẽ độc giả cũng có cảm nhận và lựa chọn cho riêng mình.
Gió Đông
Nguồn: Đại Kỷ Nguyên
Không tham lam chính là báu vật của đời người Reviewed by Admin on 10/24/2018 10:13:00 CH Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Trí Thức Cẩm Trường © 2017

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Đồng Lăng. Được tạo bởi Blogger.