Top Ad unit 728 × 90

Chầu lượt tại Giáo phận Vinh - Nét đẹp văn hóa và lòng đạo đức bình dân


Thế giới càng phát triển, văn minh thì cuộc sống càng trở nên buồn thảm[1]. Vì thế, con người hiện đại thích đi du lịch nhiều để tham dự các lễ hội, danh lam thắng cảnh. Tại Việt Nam, xu thế cũng không nằm ngoài quy luật này. Tại lễ hội giỗ tổ Hùng Vương, Đền Hùng, Phú Thọ năm 2015, ước tính có khoảng 5 triệu lượt khách đổ về tham dự, chưa kể nhiều người trèo rừng để tham dự “chui”[2].
Giáo Hội Việt Nam được xem là Giáo Hội khá non trẻ nhưng lịch sử cũng khá hào hùng với nhiều chứng nhân anh hùng tử đạo. Trong việc phụng tự, hành vi bề ngoài của người giáo dân Việt được biết đến với đậm màu sắc văn hoá vùng miền. Hằng năm, có hàng trăm ngàn  lượt khách hành hương về Thánh Địa La Vang. Hầu hết, mỗi giáo phận đều có một Linh địa hoặc một dịp lễ  lớn là dịp mà người giáo dân quy tụ. Riêng giáo phận Vinh, ngoài các dịp lễ lớn thì ở mỗi giáo xứ lại có Tuần Chầu Lượt hằng năm, thay mặt cho toàn thể giáo phận suy tôn Chúa Giêsu Thánh Thể. Truyền thống này đã có hàng trăm năm và mang đậm nét hội nhập văn hoá của đức tin. Hiện nay, mặc dầu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố của cuộc sống hiện đại, hành vi này vẫn giữ được những nét đẹp vốn có của nó. Vậy đâu là cơ sở của hành vi phụng tự này? Trong khả năng hạn hẹp, tôi sẽ trình bày qua đôi nét lịch sử của truyền thống tốt đẹp này. Tiếp theo, tôi sẽ trình bày ý nghĩa của tuần chầu lượt, để rồi đi đến nét đẹp văn hoá và lòng đạo đức bình dân của nó.
1.Truyền thống Tuần Chầu Lượt của giáo xứ thay cho toàn giáo phận hằng năm
Tuần Chầu Lượt đã trở nên ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm của người giáo dân Vinh từ xưa tới nay. Đạo Công Giáo đã được ươm mầm vào đất Vinh từ khá sớm, để rồi từ đây, hạt giống ấy lớn lên và trổ sinh nhiều hoa trái trong đau thương và thời bình. Chắc chắn để đạt được điều này, việc sống đạo đã được thực hiện một cách rất đạo đức. Không có một số liệu cụ thể việc lập Tuần Chầu Lượt từ khi nào, nhưng có thể nó đã được thực hiện trước khi có quyết định chung cho toàn giáo phận của Đức cha Bắc Eloy trong thư chung kí ngày 19.06.1918. Giáo phận Vinh được bắt nguồn từ giáo phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1846, chỉ sau mấy năm Đức cha Liêu (Retord), bề trên Hướng Phương, đắc cử giám mục 1839. Đức Cha Liêu là người mong muốn và khởi xướng cho việc chầu lượt tại giáo xứ: “việc chầu lượt thể ấy vốn Toà Thánh lấy làm quí cùng hay giục các Đấng Vítvồ (Giám mục Tông Toà) lập trong địa phận mình coi sóc, vì hay sinh nhiều ơn ích cả thể cho mọi người được ăn mày cả phần hồn phần xác kể chẳng xiết. Xưa Đức Thầy Liêu đã ước ao lập trong địa phận này hết sức…”[3] Như thế, một truyền thống đạo đức về Chầu Lượt có thể đã được thực hiện từ trước 1918. Truyền Thống này đã được thực hiện và phát triển rộng khắp trên tất cả các giáo xứ của giáo phận Vinh, được đề cập lại trong các thư chung tiếp theo của Đức cha Bắc. Trong thư chung đề ngày 13/11/1927, Đức cha Bắc đã viết: “Đã 10 năm kể từ ngày Thầy lập lệ Chầu Lượt, Thầy có một số điểm cần nhắc…” Các thư chung  này chủ yếu là điều chỉnh, qui định những quy tắc về Tuần Chầu Lượt như phải chầu cả ngày, xứ ít thì chỉ cha hạt trưởng và ba cha, xứ nhiều thì tăng lên… “đến ngày Chầu Lượt thì phải dọn nhà thờ, nhất là bàn thờ cho trọng thể hết sức, có thiếu đồ chầu mặt nhật, thì mượn xứ lân cận[4]. Trong 34 năm làm giám mục, Đức cha Bắc đã cổ xuý và hướng dẫn rất chi tiết cho đời sống đạo và việc Chầu Lượt ở Vinh. Ngài đã lập lễ Thánh Tâm là lễ Missa Imperata, Lễ Mình Thánh và Lễ Đức Mẹ là Votiva. Truyền thống này được giữ cho đến hôm nay và là ý của việc tổ chức Thánh Lễ của Tuần Chầu Lượt. Trong giai đoạn tranh tối tranh sáng của xã hội Việt Nam và các giai đoạn khó khăn sau này, việc tổ chức Tuần Chầu Lượt tại các giáo xứ vẫn được diễn ra “cách lén lút” và phải “xin phép cùng trình chính quyền”. Các Tuần Chầu này là những dịp mà giám mục đi kinh lý hay ban phép Thêm Sức. Mãi đến những năm 1989, 1990, việc Chầu Lượt được diễn ra công khai và không phải xin phép, trình chương trình trước cho chính quyền. Tuần Chầu Lượt được tổ chức có các cuộc diễn văn nghệ, rước kiệu Santi, Kiệu Thánh Thể, Đức Mẹ, dâng hoa… vào thứ 7. Trong Tuần Chầu, sự hiện diện của vị chủ chăn giáo phận cũng thường xuyên để đặt viên đá đầu tiên xây nhà thờ, hoặc ban Bí Tích Thêm Sức, hoặc kinh lý. Hơn nữa, như thời mới thành lập, Tuần Chầu Lượt thường có sự hiện diện rất đông các linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ cũng như quan khách. Hiện nay, Tuần Chầu Lượt được tổ chức rất long trọng nhưng cũng mang đậm nét truyền thống lâu đời của nó.
2.Ý nghĩa Tuần Chầu Lượt
Tuần Chầu Lượt của các giáo xứ tại giáo phận Vinh là thay mặt cho toàn thể giáo phận, chầu Đền Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu trong suốt cả tuần, nhằm sinh Ơn cho mọi người. Việc sinh ơn ích bề trong là do long thương xót của Thiên Chúa, nhưng bề ngoài ta thấy được đó là sự hiệp thông, sám hối tập thể và một sự sẻ chia tinh thần cũng như vật chất.
2.1 Sự hiệp thông trong tuần Chầu Lượt
Tuần Chầu Lượt của các giáo xứ tại giáo phận Vinh thể hiện rõ sự hiệp thông sâu xa giữa giám mục với đoàn chiên, giữa các linh mục, giữa các hội đoàn trong giáo xứ với nhau, trong chính từng gia đình và giữa giáo xứ với các giáo xứ bạn.
Thông thường, Tuần Chầu Lượt được kết hợp với việc kinh lý, ban Thêm Sức, khánh thành nhà thờ, đặt móng nhà thờ… của Đức giám mục thể hiện rõ sự hiệp thông, giữa Đấng bản quyền với giáo dân của mình. Khó có cơ hội để người giáo dân nghèo, xa xôi hàng trăm cây số trở về Toà giám mục hoặc nhà thờ chính toà để tham dự một thánh lễ đại triều. Dịp Chầu Lượt là cơ hội để họ được quây quần bên vị giám mục, để tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, để rồi sau đó nhận được phép lành hay những món quà đơn sơ như được hôn nhẫn, bức hình Chúa, bộ tràng hạt hay cái kẹo từ bao áo của vị chủ chăn. Chầu Lượt cũng là lúc để giám mục nói chuyện cách trực tiếp, đơn sơ thân tình hơn với các linh mục trong giáo hạt, những người cộng tác viên trực tiếp của ngài tại các giáo xứ. Đồng thời, ngài cũng xem xét, kiểm tra sổ sách và những chỉ bảo cho việc quản trị nơi từng giáo xứ.
Tuần Chầu Lượt còn là sự gặp gỡ, củng cố và gia tăng tình huynh đệ nơi hàng linh mục. Nó không đơn thuần là việc thăm viếng, nhưng còn là cơ hội để chia sẻ những khó khăn, bài học kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong việc mục vụ. Đây là thời gian để các linh mục rời “ốc đảo”, để đi ra chia sẻ trách nhiệm mục vụ với các anh em đồng nghiệp. Ngoài dịp tĩnh tâm năm tại giáo phận, các dịp Chầu Lượt là thời gian để tĩnh tâm tháng của các linh mục trong giáo hạt, nên các ngài thường ở lại tại giáo xứ chầu từ thứ 5 đến thứ 7.
Ngoài các dịp lễ lớn, Tuần Chầu Lượt còn là dịp hiệp thông lớn lao giữa các hội đoàn để cầu nguyện cũng như chia sẻ những trách vụ đã được phân công. Các hội đoàn  và mọi người đều được tham dự vào phận vụ của mình trong một đoàn chiên duy nhất, một công việc duy nhất để sinh hiệu quả tốt nhất. Vì thế, các hội đoàn cũng như giáo dân đều cố gắng tham dự thánh lễ và các giờ chầu theo phiên thứ của mình. Hơn nữa, dịp Chầu Lượt cũng là dịp thể hiện sự hiệp thông với các giáo xứ bạn bằng cách mời chủ trì các giờ chầu, giao lưu thể thao, văn nghệ…
Như thế, ta có thể tự hào để nói rằng, chầu lượt thể hiện tinh thần yêu thương. “xem họ yêu thương nhau dường nào”(Cv 2, 42-46). Đây cũng là lý do mà có những sự cấm cách, ngăn cản của chính quyền đã xảy ra trong lịch sử và sẽ còn tiếp tục xảy ra dưới nhiều hình thức tinh vi hơn.
2.2 Sự sám hối tập thể
Chầu Lượt tại Vinh thực sự là mùa ra khơi “lưới người như lưới cá”(Mc 1,17). Trong tuần Chầu Lượt, nhiều người xa quê thường trở về cùng với gia đình và giáo xứ. Đây cũng là cơ hội để họ được đến với Toà Cáo Giải. Trong Tuần Chầu, các linh mục thường phải ngồi Toà Giải Tội nhiều giờ vì có nhiều người xưng tội. Hầu như trong Tuần Chầu của giáo xứ, ai cũng xưng tội. Vì thế, Tuần Chầu Lượt còn được gọi là Tuần Đại Phúc. Không những thế, ngoài các bài chia sẻ Lời Chúa mà chủ đề xoay quanh lòng thương xót Chúa, trong các giờ Phạt Tạ Thánh Tâm, người hướng dẫn thường giúp cộng đoàn suy niệm, thông hối trước Thánh Thể. Như thế, các giờ chầu cũng có thể được xem là một cuộc thống hối tập thể.
2.3 Sự chia sẻ
Người giáo dân Vinh tham dự Tuần Chầu Lượt không chỉ có những bữa tiệc vật chất, nhưng họ được đến với những bữa tiệc thiêng liêng thực sự. Ngoài sự chuẩn bị bề trong và bề ngoài, trong những ngày Tuần Chầu, các linh mục được mời giảng và đã chuẩn bị từ trước, nên họ được lãnh nhận những bữa tiệc Lời Chúa cách sâu sắc. Hơn nữa, theo truyền thống của người Vinh, Tuần Chầu Lượt được tập trung vào Bí Tích Tình Yêu, Đức Mẹ (Votiva) và Thánh Tâm Chúa Giêsu (Missa Imperata hoặc Votiva), nên các bài giảng được đào sâu vào những chủ đề lớn của mầu nhiệm Kitô giáo. Dịp Chầu Lượt cũng là thời gian để sẻ chia những bữa ăn thân mật nơi các gia đình, giữa thông gia và bà con thân tộc, bè bạn không phân biệt lương giáo. Ở nhiều giáo xứ, Tuần Chầu Lượt còn được xem như những ngày Tết và thậm chí, đối với những người đi làm ăn xa, đó còn hơn là ngày Tết nữa.
3.Tuần Chầu Lượt – Nét đẹp văn hoá Vinh
3.1 Những nghi thức đậm nét văn hoá vùng miền
Trong các giờ Chầu Lượt cũng như các giờ chầu Thánh Thể khác, chỉ có ở giáo phận Vinh, người giáo dân của mình có lời cầu cho Đấng bản quyền của mình: “Ta hãy cầu xin cho đức giám mục…, xin Chúa cho người đứng vững, và coi sóc đoàn chiên Chúa, xin Thánh Linh soi bước người, để người đưa đoàn chiên về tới bến an bình”.Không những thế, trong những ngày Chầu Lượt, các nghi thức, rước kiệu, băng rôn, khẩu hiệu, cờ quạt đều mang đậm văn hoá vùng miền thu hút mọi ánh nhìn không kể lương giáo. Các cuộc rước kiệu được trang hoàng lộng lẫy, phương du, bái hạ, cổng chào đều được trang trí bằng các chất liệu và theo phong cách địa phương. Trong các nghi thức, người giáo dân thích sử dụng những bài ca vãn mang đậm chất dân ca ví dặm. Các vở kịch, bài hát trong buổi giao lưu văn nghệ tối thứ bảy tuần chầu thường đậm nét ca kịch, dân ca truyền thống chứ không mang nhiều màu sắc hiện đại như các dịp Giáng Sinh. Cũng trong các bữa ăn của Tuần Chầu Lượt, người ta thường nấu các món ăn theo phong tục truyền thống và gia vị bản xứ hơn là các món ăn thông thường và hiện đại.
3.2 Cơ hội giao lưu học hỏi
Người dân Vinh tham dự Tuần Chầu của xứ mình hay xứ bạn không chỉ kín múc nguồn ân sủng nhưng còn để được học hỏi. Học hỏi cách tổ chức, đời sống thiêng liêng, tinh thần sống đạo và cách thức thể hiện niềm tin của mình. Mỗi giáo xứ mỗi hoàn cảnh nên cách thức tổ chức sẽ khác nhau. Do đó, cách sống và tham dự Tuần Chầu Lượt cũng khác nhau. Đó là cơ hội không chỉ cho người giáo dân mà cho chính các linh mục và những người không cùng niềm tin tôn giáo được học hỏi. Tôi còn nhớ, khi ông nội tôi đang còn khoẻ và là phó trùm xứ, ông thường xuyên đi Lễ các Tuần Chầu Lượt của các giáo xứ gần kề. Tôi hỏi: ông đi để làm gì? Ông bảo: đi để nghe các cha giảng về lễ Thánh Tâm. Trong tâm trí non nớt của tôi không thể hiểu được ông được lợi cái gì. Khi lớn lên, tôi mới biết được rằng Ông đi để cốt học thêm biết Chúa và cách tổ chức.
3.3 Đoàn kết và tiếp nối truyền thống
Việc tổ chức Tuần Chầu Lượt cần được chuẩn bị chu đáo hết sức. Đó là cơ hội để thấy được sự đoàn kết của các thành viên và các hội đoàn trong giáo xứ. Ngoài ra, trong Tuần Chầu có sự đoàn kết giữa các giáo xứ bạn, các ca đoàn của các giáo xứ bạn được mời cầm giờ chầu sau thánh lễ cao điểm… Tất cả những điều này thể hiện sự đoàn kết gắn bó cũng như tiếp nối truyền thống đoàn kết của cha ông trước đó cách sâu sắc.
4.Tuần Chầu Lượt tại Vinh – Nét đẹp của lòng đạo đức bình dân
Phải công nhận rằng lòng đạo đức bình dân là một nét nổi bật của Tuần Chầu Lượt tại giáo phận Vinh. Ngoài việc đến với Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải, đời sống người Kitô hữu xoay quanh việc Chầu phạt tạ Thánh Tâm Chúa. Nghi thức và lời đọc khá khác với việc chầu thứ năm Tuần Thánh. Các giờ Chầu được thực hiện luân phiên giữa các giới, hội đoàn và các giáo họ. Việc làm giờ chầu không chỉ chuẩn bị nội dung mà còn được tập các bài ca vãn rất công phu. Trong Tuần Chầu, ngoài tham dự thánh Lễ, ai không tham dự một giờ chầu của hội đoàn mình hoặc giáo họ mình thì coi như chưa tham dự Tuần Chầu thực sự. Hơn nữa, các ý Lễ được thực hiện theo lòng mến của giáo dân là lễ Votiva và Misse Imperata. Trong ba ngày cao điểm, người giáo dân Vinh còn tranh thủ mua thêm ảnh tượng để thờ kính cũng như ra công làm việc bác ái như giúp đỡ người neo đơn, ăn xin và người kém may mắn.
Kết luận
Tóm lại, trải qua hàng trăm năm và ảnh hưởng của biết bao thế sự thăng trầm, bách hại của lịch sử, Tuần Chầu Lượt của các giáo xứ tại giáo phận Vinh vẫn giữ được những nét đẹp vốn có của nó. Nó là cơ sở và là gia sản thực hành đức tin quý báu cho các thế hệ tương lai. Trong xã hội tương lai, chắc chắn rằng Tuần Chầu Lượt sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các văn hoá lai căng, thế tục. Nhưng dù mất dù còn, người giáo dân Vinh sẽ luôn tự hào như lời đức cha Phao lô Maria Cao Đình Thuyên đã nói: “Tuần Chầu Lượt được ví như là gia sản quý báu của giáo phận Vinh và là nét đặc thù kết hợp được một cách hài hoà giữa đức tin và văn hoá. Chúng ta phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp của nó”[5].Chầu Lượt luôn là di sản đẹp đẽ của lịch sử 170 năm giáo phận chúng ta.
Antôn Nguyễn Minh Trí
Nguồn: ĐCV Vinh Thanh
[1] Đức thánh cha Phanxico I, tông huấn Evangilii Gaudium, số 2.
[2] VTV1, Đài truyền hình Việt Nam, Bản tin thời sự tối ngày 28.04.2015.
[3] các thư chung giáo phận Tây Đàng Ngoài, Kẻ Sở, 1908, trang 375.
[4] Đức cha Bắc Eloy, thư chung ngày 13.11.1927, văn khố Toà Giám mục Xã Đoài.
[5] Trích lời khai lễ tại giáo xứ Quí Hoà, 16.10.2011, Chúa Nhật 29 Thường Niên.
Chầu lượt tại Giáo phận Vinh - Nét đẹp văn hóa và lòng đạo đức bình dân Reviewed by Trí Thức Cẩm Trường on 7/26/2018 04:37:00 CH Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Trí Thức Cẩm Trường © 2017

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Đồng Lăng. Được tạo bởi Blogger.