Top Ad unit 728 × 90

2 phút 37 giây

Nhiều thống kê khẳng định rằng mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 học sinh bỏ học. Một con số đáng tham khảo, khi nhiều nguồn khác cũng khẳng định rằng tỷ lệ bỏ học ở Việt Nam trên dưới 1%, trong tổng số hơn 20 triệu học sinh.
Nếu lấy 365 ngày một năm nhân với 24 tiếng, rồi nhân tiếp với 60 phút, chia cho con số 200.000 này, bạn sẽ thu được một mức trung bình đáng ngại: cứ 2 phút 37 giây, ở Việt Nam có thêm một đứa trẻ bỏ học.
Hai phút ba mươi bảy giây này, tất nhiên không phải con số chính xác tuyệt đối. Nhưng quy đổi cách này khiến cho vấn đề của xã hội Việt Nam trở nên trực quan hơn. Chúng ta có thể nói với nhau rằng, từ lúc bạn vào trang chủVnExpress cho đến khi đọc dòng này, đã có một hoặc hai đứa trẻ bỏ học.
Các nguyên nhân trẻ em phải bỏ học rất đa dạng. Nhưng vì thế, nó đồng thời phản ánh nhiều vấn đề kinh tế xã hội đa dạng. Đó không phải chỉ là chuyện của ngành giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà hai vùng có tỷ lệ trẻ bỏ học cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, nơi đang phát sinh nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô, bao gồm cả biến đổi khí hậu. Cũng không phải ngẫu nhiên, mà tỷ lệ trẻ bỏ học ở các gia đình di cư nhiều hơn hẳn so với khi chúng được sống với cha mẹ tại quê nhà.
Học tập là một quyền được quy định trong luật, nên hoàn toàn có thể diễn đạt thành, sau mỗi hai phút ba mươi bảy giây, đã có một công dân Việt Nam bị tước đi quyền cơ bản của mình vì các bối cảnh xã hội khác nhau.
Hai phút ba mươi bảy giây là một con số rất đáng sốt ruột.
Hãy liên hệ với không gian giải quyết vấn đề của đất nước: các cuộc luận đàm ở Quốc hội. Nghị trường gần đây cũng có những quy định về tốc độ rất ngặt nghèo. Phần nêu ý kiến của đại biểu và phần trả lời của thành viên chính phủ chỉ có tối đa ba phút.
Ba phút này, vốn tưởng như rất ngắn. Nhưng nếu thừa nhận khái niệm “2 phút 37 giây” ở trên, thì cũng nghĩa là, sau ba phút, một vị Bộ trưởng trả lời trước toàn dân, có thông tin hay không, làm người nghe thỏa mãn hay không, có tạo ra được thay đổi chính sách hay không, thì cũng đã có thêm một đứa trẻ ở đâu đó phải bỏ học.
Người dân có nhiều lý do để nóng lòng. Nếu con số nào cũng chia theo phút, thay vì một báo cáo lạnh lùng cuối năm, thì thấy những vấn đề rất đáng sốt ruột: chỉ cần cộng riêng lẻ các vụ thất thoát và lãng phí ngân sách được nêu, thì mỗi giờ trôi qua đã có hàng tỷ đồng biến mất. Đó chỉ là những vụ được phát hiện.
Và đó là còn chưa bàn tới sự sốt ruột khi chứng kiến những dự án và dự thảo mất hàng triệu phút chưa đi vào đời sống.
Tất nhiên, không phải trong đầu người dân nào cũng ngồi nhẩm tính theo phút về các vấn đề của đất nước. Hầu hết mọi người, “trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt”, không có thời gian quan tâm đến ba phút ở Quốc hội hay thất thoát trong đấu giá tài sản.
Nhưng phần nhiều, người dân cảm nhận được sự sốt ruột. Ven bờ biển miền Trung, một phụ nữ nước mắt ngắn dài, kể với tôi rằng chị đang thuyết phục con mình bỏ học. Con bé học cấp 2, có cả giải thưởng cấp huyện, cương quyết đòi đi học tiếp. Làm mẹ, phải thuyết phục một đứa trẻ ham học bỏ trường lớp, chị đau lòng. Nhưng chị không nhìn thấy tương lai nào khác ngoài việc hai mẹ con phải bỏ xứ đi làm thuê.
Nói rồi, chị đãi tôi cá nục hấp. Nhà chị chỉ có cá nục hấp, ăn quanh năm: chị làm việc ở cảng cá, ngoài mấy chục tiền công một ngày để mua gạo mắm và cho con đi học, chị xin cá nục để ăn.
Ven bờ sông miền Bắc, tôi nhìn thấy cuộc đời học tập của một đứa trẻ khác, bị tước đoạt sau một cuộc tranh luận. Con bé 12 tuổi. Người phụ nữ đề xuất cho nó đi học nghề, miễn phí, chỉ là không có lương. Người đàn ông quyết liệt bảo vệ việc nó phải ra chợ tìm việc làm. “Đã đến lúc phải nuôi thân rồi” – ông cao giọng. Cuộc tranh luận rất ngắn, cũng chỉ tầm hai phút.
Những con người ấy thật ra cảm nhận rất rõ bức tranh kinh tế-xã hội nơi họ đang sống. Sự sốt ruột của họ, là phổ quát và có tính đại diện cho những vấn đề mà xã hội đối mặt. Nó không chỉ là chuyện của mỗi gia đình.
Sự sốt ruột hết sức tự nhiên này, có nhiều hệ lụy hơn là cuộc đời những đứa trẻ. Nó đôi lúc khiến cho những kế hoạch vĩ mô trở thành chuyện tầm phào, khi người dân buộc phải hành động vì sự sốt ruột. Nó đôi lúc khiến cho các cuộc đối thoại chính quyền-người dân rơi vào thảm bại. Ví dụ lịch sử đã chỉ ra nhiều. Bởi vì trong nhiều khoảnh khắc, người dân sẽ buộc phải tự hỏi: người lãnh đạo có chia sẻ sự sốt ruột với mình không?
Đó là một câu hỏi rất quan trọng. Bởi vì khi bạn đọc tới đây, đã lại có thêm một đứa trẻ Việt Nam nữa bỏ học.
Theo: Đức Hoàng/VnExpress logo
2 phút 37 giây Reviewed by Admin on 6/14/2018 04:53:00 CH Rating: 5

Không có nhận xét nào:

All Rights Reserved by Trí Thức Cẩm Trường © 2017

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Đồng Lăng. Được tạo bởi Blogger.